Phóng Sanh Tập Tục Lâu Đời Của Người Việt

Trong một năm, người Việt chúng ta có rất nhiều lễ hội, trong lễ hội lại có nhiều tập tục trong đó có tục phóng sanh. Phóng sanh là tập tục lâu đời của người Việt ta, vừa mang ý nghĩa nhân văn (tâm linh) vừa có ý nghĩa khoa học (bảo vệ mội trường).

Cái gốc của việc phóng sanh là tạo dựng niềm tin cho con người trong cuộc sống, người phóng sanh có quan niệm phóng sanh (thường chim, cá,…) là thể hiện lòng từ bi và cho đó là một cách báo ân, báo hiếu của con cháu khi người thân không còn tại thế.

Nhưng ngày nay không ít người đã trần tục hoá, làm mất đi ý nghĩa vốn có của tục phóng sanh. Rằng phóng sanh để cầu tài, cầu lộc, cầu quan và cả cầu tình duyên…Có nhiều nơi chính quyền địa phương thẳng thừng cấm, cũng có nơi tuy không tán thành nhưng cũng lờ đi. Tùy nơi tùy chốn mà người bán, người mua vật phóng sanh che dấu hay lộ liễu.

Phóng sanh như thế nào mới đúng?

Việc phóng sanh trước hết không nên quá hình thức mà nên được làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát. Cứu chúng sinh trong thời điểm này mới thực là ý nghĩa nguyên bản của việc phóng sanh.

Tuy nhiên, để việc phóng sanh thực sự có ý nghĩa, người phóng sanh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh. Khi gặp khó khăn, có thể liên hệ các cơ quan chuyên môn để có cách phóng sanh, cứu giúp các loài sinh vật đúng đắn và phù hợp nhất, tránh phóng sanh vội vàng, bừa bãi.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Phóng sanh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã. Nếu muốn bảo vệ động vật hoang dã thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên và đảm bảo chúng không bị săn bắt”./. (Nguồn: vov.vn)

Tục Phóng Sanh. (Ảnh: internet)

Phật pháp không khuyến khích phóng sinh

Theo Phật giáo, phóng sinh tức là nhìn thấy chúng sinh bị bắt nhốt, giam giữ hay gặp nạn thì mở lòng từ bi tìm cách cứu giúp, giải thoát, cứu mạng sống của chúng sinh. Điều này xuất phát từ lòng nhân hậu, từ bi của mỗi con người. Nếu phóng sinh thực hiện không đúng cách thì chỉ là mê tín và mang tính chất hình thức. Nhiều khi phóng sinh lại biến thành phóng tử mà gây thêm nghiệp ác, nhất là những kẻ lấy việc động phóng sinh để phô trương, muốn mọi người biết đến hoặc chính vì nhu cầu phóng sinh mà nhiều loài chim, loài cá… bị bắt, nhốt rồi đem bán.

Theo nhiều nhà sư, với điều kiện như ở Việt Nam hiện nay thì tốt nhất không nên phóng sinh, vì sau khi phóng sinh xong sẽ có người bắt chúng lại. Phóng sinh hiện nay đang bị biến tướng và người phóng sinh còn mắc tội thúc đẩy sát sinh bởi hành động tìm mua con vật để phóng sinh gián tiếp thúc đẩy việc người ta đi bẫy chim, bắt cá… làm tổn hại tới những loài sinh vật mà họ chọn để phóng sinh.

Phật pháp không khuyến khích phóng sanh. (Ảnh: internet)

Quá trình phóng sinh hiện nay cũng không giữ được đúng ý nghĩa của nó bởi có rất nhiều con vật phóng sinh bị bắt, được thả vào thiên nhiên nhưng sau đó lại bị bắt lại, nhiều lần như vậy cho đến khi chết. Trước khi được phóng sinh, con vật đã bị đánh bắt chỉ vì nhu cầu phóng sinh, bị giam cầm, sống trong tình trạng hoảng sợ, lo lắng, kiệt sức. Không ít loài vật đã phải bỏ mạng trước khi được phóng sinh. Nhiều con chim bị cắt cụt cánh, bị đánh thuốc không thể tự do bay nhảy, khi được phóng sinh, chúng chỉ bay được vài mét rồi lại rơi xuống, tiếp tục bị bắt lại và bán đi. Cá vừa thả xuống hồ nếu thả từ trên cao xuống, có con bị thương, có con quá hoảng loạn, ngay sau đó chúng lập tức bị chích điện, bị mắc lưới bắt lại. Như vậy, thực chất chúng vẫn chưa được phóng sinh.

Theo quan điểm của nhà Phật, hiện không có quy chuẩn nào nói về phóng sinh nhưng phóng sinh trước hết phải xuất phát từ cái tâm làm việc thiện. Con người thực hiện nghi thức phóng sanh vì sự sống của muôn loài chứ không phải để vụ lợi, để khoe công đức, cũng không nên chạy theo phong trào, theo số đông vì đó chỉ là công đức giả tạo.

Our Reader Score
[Total: 0 Average: 0]

Leave A Comment