Rằm Hạ Nguyên Lễ Mừng Lúa Mới

Mỗi năm có ba ngày Rằm lớn: Rằm tháng Giêng còn gọi là Rằm Thượng nguyên (Thượng ngươn); Rằm tháng Bảy còn gọi là Rằm Trung nguyên (Trung ngươn) và  Rằm tháng Mười còn gọi là Rằm Hạ nguyên (Hạ ngươn).

Được biết, Rằm tháng Mười là ngày Vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh, ông được xem là người có nhân cách đạo đức ngay thẳng là một vị vua huyền thoại cổ đại nổi tiếng về việc chống lũ, xác lập chế độ cha truyền con nối bằng cách thành lập nhà Hạ. Tên khai sinh của ông là Tự Văn Mệnh thường được gọi là Đại Vũ.

Rất ít hồ sơ ghi chép về sự trị vì của ông trong lịch sử, bởi vì điều này nên phần lớn các thông tin về cuộc sống và triều đại của ông xuất phát từ các câu chuyện truyền miệng và những câu chuyện đó đến từ các vùng khác nhau. Vua Hạ Vũ sau khi băng hà được vinh danh với tên gọi “Đại”. Đạo giáo tôn ông là Thủy Quan Đại Đế, thần đản là ngày Tết Hạ Nguyên, còn có cách gọi khác là “Hạ Nguyên Giải Ách Thuỷ Quan Ðại Ðế Thắng Hội”, “Hạ Nguyên Thuỷ Quan Thánh Ðản”, “Tết lúa mới”,…

Ngày nay, ngày Rằm Hạ nguyên – Rằm tháng Mười đã trở thành ngày lễ hội mang nhiều giá trị tâm linh đối với người dân Việt. Nhất là đối với phật tử, rằm tháng Mười là dịp để mọi người con Phật hướng tâm tu tập, trên nhờ hồng ân chư Phật mười phương gia hộ, kế đến là tổ tiên ông bà che chở. Nhưng quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa tri ân và báo ân.

Ca dao ta có câu:

Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,

Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không,

Rằm tháng Mười, mười người mười quảy.

Lễ Hạ Nguyên Trong Phật Giáo. (Ảnh: internet)

Rằm Hạ nguyên – Rằm tháng Mười còn gọi là Lễ mừng lúa mới, Tết cơm mới là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người Việt Nam ở vùng cao. Lễ mừng lúa mới đối với đồng bào dân tộc cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh.

Sau khi vụ lúa tháng Tám vừa gặt hái xong, công việc đồng áng cả năm bắt đầu nhẹ nhàng, thư thả. Lúa đã đầy bồ, rơm rạ đã chất thành đống khô ráo, tươm tất. Đông tiết lạnh lẽo mà lại được mùa, có lúa mới, mọi người nghĩ ngay đến ơn nghĩa của trời đất mưa thuận gió hòa, trong năm không bị lụt lội làm hư hại mùa màng; cho nên đến ngày Rằm tháng Mười đem những gì đã được thu hoạch làm thức ăn theo phong tục địa phương tự ngàn xưa như: Xôi, chè, bánh ít, bánh cúng, bánh bột lọc, bánh gạo… cùng với mâm cơm dâng cúng tổ tiên, ông bà, thổ thần, âm linh, các bác…

Lễ Hội Mừng Lúa Mới Của Người Xê Đăng Ở Kon Tum. (Ảnh: internet)

Ngày Rằm tháng Mười còn được coi như là lễ tạ ơn. Lễ tạ ơn này là một trong tứ trọng ân của Phật giáo mà Đức Phật đã dạy khi Ngài còn tại thế. Sau khi cúng tạ ơn, cả gia đình sum họp quanh bếp lửa hồng của mùa đông giá rét với một bữa cơm đoàn tụ, ấm cúng. Ngày Rằm tháng Mười ai ai cũng đều thu hoạch được thực phẩm trong vụ tháng Tám do đó mọi nhà đều cúng lễ tạ ơn cho nên mới có câu ca dao: “Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”.

Our Reader Score
[Total: 1 Average: 5]

Leave A Comment