Vu Lan Báo Hiếu
Hằng năm, cứ vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, người dân Việt theo đạo Phật lại có một ngày lễ lớn gọi là ngày lễ Vu Lan hay còn có tên gọi khác là Tết Trung Nguyên.
Đây là đại lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Còn Cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây còn thay còn nối
Cha Mẹ mất rồi con chịu mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi
Đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân…
Nét đẹp truyền thống
Vu Lan – hai tiếng nghe thật thân thuộc, vậy mà khi nghe ai đó nhắc đến ta vẫn ngơ ngẩn bồi hồi và nghĩ về mẹ, cha. Kể sao hết công ơn sinh thành của mẹ, công lao dưỡng dục của cha.
Chín tháng mười ngày cưu mang mẹ phải chịu bao vất vả, rồi con chào đời cho đến lúc trưởng thành là cả một khoảng thời gian cha mẹ luôn lo lắng, chăm sóc cho con. Tình cha nghĩa mẹ như Thái Sơn cao ngất, như nguồn nước trong lành tắm mát đời con.
Ngày lễ Vu Lan được xuất phát từ Đức Phật, bằng đại bi tâm Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác.
Và người đầu tiên tiếp nhận không ai khác là Tôn giả Mục Kiền Liên, vốn là một tu sĩ khác đạo về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.
Sau khi đã chứng quả A La Hán, ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm kiếm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.
Quá thương cảm, xót xa ngài quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Tội lỗi của mẹ ngươi dù có dùng thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được, duy chỉ nhờ thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, tin tấn tu hành thanh tịnh, tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực, mẹ ngươi mới thoát được cảnh khổ”.
Ngài làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành.
Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.
Từ đó trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan – Tự Tứ.
Vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu Lan – Báo Hiếu, thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ hoặc đời này hay nhiều đời được siêu độ, còn người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.
Ngày tháng qua đi, tuổi xuân sẽ qua, tuổi già sẽ đến. Tiền tài vật chất, sức khỏe rồi cũng sẽ phai tàn nhưng tình yêu thương, công đức sanh thành không bao giờ phai nhạt. Hãy làm tròn chữ hiếu, làm tròn đạo con. Đừng để đến phút cuối cuộc đời mới quay đầu hối tiếc thì đã quá muộn màng.
Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Leave A Comment