1.LUÔN DÀNH THỜI GIAN CHO NGƯỜI THÂN
Một cuộc gọi hỏi thăm hàng ngày tới cha mẹ hay những buổi gặp mặt bên ly cà phê đều đặn cuối tuần sẽ tạo nên thay đổi đáng kể trong cuộc sống của bạn.
Theo một nghiên cứu được tiến hành trong vòng 75 năm của đại học Harvard, các dữ liệu cho thấy cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc của con người phần lớn đều liên quan đến các mối quan hệ thân thiết, bất kể là gia đình, bạn bè hay người yêu. 77% số người cho rằng bản thân cực kỳ hạnh phúc cũng đánh giá quan hệ giữa họ và người thân ở mức “rất tốt” hoặc “tuyệt vời”.
“Điều cốt yếu không phải ở số lượng bạn bè hoặc bạn có đang ở trong một mối quan hệ tình cảm hay không” – Theo giáo sư Robert Waldinger của đại học Harvard, mở rộng quan hệ xã hội không quan trọng bằng việc duy trì những mối quan hệ bạn đã có.
2. CHỦ ĐỘNG HƠN Ở NƠI LÀM VIỆC
Bằng việc chủ động trong công việc, chẳng hạn như tình nguyện phụ trách các dự án, đề xuất các ý tưởng mới hoặc trực tiếp trao đổi nguyện vọng với cấp trên… điều này có nghĩa là bạn đang tạo sự tự do cho mình. Mà tự do cũng là chìa khóa của cuộc sống hạnh phúc.
Các nghiên cứu cho thấy thái độ trong công việc có tích cực hay không chủ yếu dựa vào khả năng tự kiểm soát trong công việc, vào quyền được tự điều hành. Trong khi mức lương hoặc độ khắc nghiệt của công việc lại ít có ảnh hưởng hơn cả.
Nghiên cứu của đại học Windsor cho thấy sự liên quan mật thiết giữa thái độ của nhân viên và quyền được thực hiện công việc theo cách của riêng họ. Chính vì thế nên chỉ số hạnh phúc thường ở mức cao ở trong giới làm việc tự do hoặc tự khởi nghiệp.
3. DÀNH TIỀN CHO TRẢI NGHIỆM THAY VÌ VẬT CHẤT
Trải nghiệm là thứ tồn tại mãi mãi và trở thành một phần con người bạn nhưng đồ vật thì không. Bạn sẽ không thể quên được chuyến du lịch từ nhiều năm trước nhưng một chiếc túi hiệu đắt tiền lại bị thay thế một cách dễ dàng.
“Một trong những kẻ thù của hạnh phúc là sự thích nghi” – Theo bác sĩ tâm lý Thomas Gilovich, niềm vui khi có đồ mới chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do chúng ta sẽ thích nghi và trở nên quen thuộc với sự hiện diện của chúng. Trải nghiệm thì khác, trải nghiệm chỉ kéo dài nhất thời, hơn nữa nó có thể đem lại những cảm xúc mà ta ít cảm nhận được thường ngày. Như vậy, dù trải nghiệm có tích cực hay tiêu cực thì nó vẫn có giá trị hơn là vật chất không cần thiết.
4. CHO ĐI LÀ NHẬN LẠI
Có vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dành thời gian để giúp đỡ người khác thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Sự giúp đỡ ở đây có thể đến từ những hành động đơn giản tại công sở, trường học, trên đường phố đến các công việc tình nguyện vì cộng đồng.
Trong cuốn sách The Paradox of Generosity, nhà xã hội học Christian Smith và Hilary Davidson cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa sự hào phóng và hạnh phúc. Ở đây, niềm vui của nguời được giúp đỡ chính là phần thưởng, nó có ảnh hưởng tích cực giống như bất cứ một món quà giá trị nào.
5. HOẠT ĐỘNG THỂ CHẤT MỖI NGÀY
Chỉ cần vài phút cho hoạt động thể chất sẽ giúp bạn giải phóng endorphins, chất làm giảm căng thẳng và lo lắng. Nhưng để thực sự cảm thấy hạnh phúc thì bạn nên tạo thói quen hoạt động hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu của đại học Vermont năm 2013 cho thấy chỉ cần 20 phút tập thể dục hàng ngày có thể cải thiện tâm trạng trong vòng 12 giờ tiếp theo. Cũng theo một nghiên cứu của đại học Cambridge, bạn không nhất thiết phải tập luyện với cường độ mạnh mà chỉ cần bổ sung thêm sự vận động cho cơ thể. Như vậy các hoạt động như đi thang bộ thay vì đi thang máy, đạp xe đạp đi làm, đi dạo trong công viên… cũng có thể khiến tâm trạng biến chuyển tích cực.
6. GẦN GŨI HƠN VỚI THIÊN NHIÊN
Bầu không khí bí bách, ồn ào của đô thị cũng là một tác nhân làm chúng ta mệt mỏi. Ngược lại, không gian mở rộng và trong lành của thiên nhiên sẽ nhanh chóng xoa dịu những cái đầu căng như dây đàn. Thậm chí, chỉ cần một góc ban công nhỏ toàn màu xanh cũng đủ để tâm trí bạn được giải phóng.
Đại học Exeter đã khảo sát 1000 ứng viên và kết quả cho thấy những ai chuyển đến sống trong không gian xanh hơn thì có sức khỏe tâm lý được cải thiện đáng kể và hoàn toàn ổn định trong khoảng thời gian lên tới ba năm. Họ cũng có tỉ lệ mắc các bệnh như trầm cảm, lo âu, bệnh tim mạch, tiểu đường… thấp hơn nhiều so với dân cư đô thị. Theo các nhà khoa học, do con người vốn tiến hóa trong tự nhiên nên sẽ là không bình thường nếu bị vây quanh hoàn toàn bởi môi trường nhân tạo.
(Theo Elle)
Leave A Comment