Mỗi loài hoa đều có những ý nghĩa riêng biệt nhất định. Có những loài hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa như hoa hồng, hay hoa phượng vĩ nhắc ta nhớ đến tình cảm thân thương của tuổi học trò… Còn có nhiều loài hoa mang ý nghĩa linh thiêng, gắn liền với nhiều truyền thuyết được lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Và hoa Sala là một trong số những loài hoa linh thiêng gắn liền với cuộc đời Đức Phật Thích Ca.
Trầm hương khói tỏ khắp quanh sân
Gió nhẹ Sala đỏ cánh trần
Khách nhặt vô thường hoa ngộ đạo
Kinh chùa phản phất tiếng chuông ngân
(Sưu tầm)
Nói về đặc điểm của cây Sala thì không như những giống hoa mềm mại, yếu đuối khác. Sala là loài cây hoa cao to, thân gỗ cứng thuộc họ dầu và có thể cao lên đến 15m. Đặc biệt hoa Sala được mọc từ thân chính của cây, hoa có màu cam lẫn đỏ thắm và hồng mang vẻ đẹp đặc biệt riêng. Sala không kén mùa nở hoa, bất kể Xuân Hạ Thu Đông, ngày mưa hay ngày nắng thì hoa Sala vẫn nở tươi xinh như đón chào một ngày mới an lành và hạnh phúc.
Sala tên gọi loài hoa, nụ tròn sau cánh ngát xa sắc hồng.
Nhụy vàng tựa hạt rồng thiên, mùi hương thanh khiết ngát sông cánh thiền.
Sáng còn sắc thắm khoe duyên, chiều tàn dạt rơi bên đường bên hiên.
Sala sự tích huy hoàng, tỏa hương đưa tiễn gót vàng diu thăng
Sala đẹp mãi nghìn năm. Sala thơm mãi trong lòng nhân sinh.
(Sưu tầm)
Lời bài hát đã phần nào cho chúng ta thấy được hình ảnh của loài hoa Sala diệu kỳ và linh thiêng. Nhiều người có nhận xét rằng khi nhìn thấy hoa Sala nở sẽ giúp tâm hồn chúng ta trở nên an lành, tĩnh lặng dâng lên niềm vui hoan hỷ lạc quan về ngày mai một cách lạ kỳ và sâu sắc…
Theo những người yêu thích và tìm hiểu thì Sala nở đẹp nhất từ tháng 2 đến tháng 5. Đặc biệt càng về buổi tối hoa Sala lại càng tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Nhờ mùi hương thơm thanh thoát, tĩnh lặng nên người ta thường gọi Sala là hoa Vô ưu hay ưu đàm.
Chùm hoa Sala nhìn giống rắn thần Naga. Mỗi bông hoa gồm 6 cánh xòe rộng, có đầu và miệng phùng mang che phần nhụy khiến con người ta liên tưởng đến con rắn hổ mang đang phùng mang lên để bảo vệ Đức Phật Thích Ca lúc ngài nhập định liên tục bảy bảy bốn chín ngày dưới gốc cây bồ đề.
Truyền thuyết lưu giữ lại rằng Đức Phật Thích Ca được hoàng hậu Maya sinh dưới gốc cây Sala, lúc bà lên cơn đau thì một cành cây đã chìa ra cho bà nắm lấy như tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ cho bà. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn truyền lại rằng Đức Phật đã nhập diệt dưới 2 gốc cây hoa Sala. Thời điểm đó không phải là mùa hoa nở rộ nhưng khi đức Phật nằm dưới gốc cây nghỉ thì bỗng toàn cây nở hoa đỏ rực và một điều lạ kỳ nữa đó chính là các cánh hoa rơi xung quanh Đức Phật như mưa sa như để đưa tiễn Đức Phật về với cảnh giới chân muôn thuở…
Trong truyền thuyết Ấn Độ cho rằng hoa Sala tượng trưng như thân hình người phụ nữ, họ tin rằng khi phụ nữ chạm đến thì cây sẽ nở hoa. Chính vì thế các thiếu nữ trẻ đẹp thường dùng chân trái của mình để chạm vào cây giúp cây mau trổ hoa. Ngoài ra các tín đồ Ấn Độ giáo còn tin rằng hoa Sala là biểu tượng của tình yêu.
Tương truyền rằng khi nhặt được hoa rụng thì đó là lộc trời nên hàng trăm người lễ chùa Rằm tháng giêng thường đến sớm để ra gốc cây nhặt hoa rụng với mong ước mang được may mắn, an lành về cho mình và gia đình. Điều tối kỵ chính là chúng ta chỉ chờ hoa Sala rơi xuống mình thì mới là lộc thật sự, mới linh nên không ai đưa tay hái hoa cả.
Bên cạnh những ý nghĩa về tâm linh thì trong cuộc sống hằng ngày hoa Sala còn là một dược liệu quý. Nhờ chứa các chất kháng sinh, kháng nấm nên Sala có tác dụng sát khuẩn và giảm đau. Người ta dùng cây Sala để chữa bệnh cảm lạnh và đau bụng còn nước ép từ lá của Sala được dùng để chữa các bệnh ngoài da.
One Comment
Cảm ơn tác giả cho biết thông tin hữu ích